Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thành các thủ tục, khắc phục khó khăn để khởi công dự án cao tốc Bảo Lộc – Tân Phú vào cuối năm 2023, không để dời sang quý 1-2024.
Vừa qua, liên quan đến triển khai 2 đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ các khó khăn khiến 2 dự này chậm mốc khởi công như dự kiến vào tháng 9/2023.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương được xác định là công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc khởi công 2 đoạn cao tốc này không thể khởi công theo như tiến độ dự kiến có 2 lý do. Thứ nhất, diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích thay đổi nên phải điều chỉnh hồ sơ và trình lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thứ hai, dự án nằm trên 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng nên thẩm quyền giải phóng mặt bằng thuộc cơ quan cấp bộ. Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng sẽ thường xuyên làm việc và có ý kiến để đẩy nhanh tiến độ.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thành các thủ tục, khắc phục khó khăn để khởi công dự án cao tốc vào cuối năm 2023.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương được xác định là dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km, đi qua các địa phận thuộc tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng. Giai đoạn 1, cao tốc được bố trí chiều rộng nền đường 17m với 4 làn xe ô tô, tổng mức đầu tư khoảng 17.200 tỉ đồng. Trong khi đó, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương có chiều dài 73,4km, điểm đầu giao với cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và điểm cuối giao với cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương; đi qua địa bàn TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng. Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.521 tỉ đồng.
Hai dự án cao tốc được thực hiện nhằm từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20. Đặc biệt, khi cao tốc đi vào hoạt động, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Bảo Lộc sẽ còn rút ngắn khoảng 2 giờ, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, đồng thời tạo đà cho bất động sản khu vực cất cánh.